Để thúc đẩy ngành du lịch, Thái Lan luôn biết cách kết hợp với các sự kiện thể thao lớn, thông qua đó quảng cáo hình ảnh đất nước, con người đến khắp nơi trên thế giới.
Thái Lan biết cách lồng ghép các sự kiện thể thao với các hoạt động quảng bá du lịch. Ảnh: Internet.Năm 2015, Thái Lan thu hút 29,6 triệu khách du lịch nước ngoài, đạt doanh thu 37,6 tỷ USD. Dự kiến trong năm 2016, quốc gia này sẽ đón 32 triệu lượt khách, thu về 64,5 tỷ USD. Để đạt được những điều đó, một trong những chiến lược của họ là kết hợp giữa thể thao và du lịch.
Dùng thể thao để “hốt bạc” từ du lịch
Cách thức kết hợp giữa văn hóa – thể thao để tạo ra một chuỗi sự kiện ấn tượng đã được người Thái sử dụng từ lâu. Cách đây 13 năm, họ đã mời tay vợt xinh đẹp người Nga Anna Kournikova đến thi đấu nhưng mục đích chính là làm đại sứ du lịch của Pattaya. Các nhà tổ chức, được hỗ trợ bởi Tổng cục du lịch Thái Lan (TAT), phải chi số tiền 241.000 USD cho hoa khôi làng banh nỉ này.
Khi đó, Anna Kournikova đã ở giai đoạn cuối của sự nghiệp, không còn tham gia các giải trong hệ thống WTA Tour nhưng cô vẫn là cái tên có sức hút lớn. Ban tổ chức lý giải, Kournikova vốn đã quá quen thuộc trên thế giới nên nhiều người sẽ quan tâm xem cô đến đâu, làm gì. Sự xuất hiện của cô là cách tiếp thị tốt cho du lịch Thái Lan, bên cạnh việc thúc đẩy sự phát triển quần vợt quốc gia này.
Hình ảnh tươi tắn của Anna Kournikova khi đến Thái Lan quảng bá du lịch năm 2003. Cô là chất xúc tác để quốc gia này thu hút nhiều du khách Nga cũng như châu Âu. Ảnh: Internet.Cuối năm 2015, ngành du lịch Thái Lan có phen điêu đứng sau sự kiện ngôi đền nổi tiếng Erawan ở thủ đô Bangkok bị đánh bom khiến 20 người chết và 120 người bị thương. Ngay lập tức, chính quyền nước này đã bật đèn xanh để mời Djokovic và Rafael Nadal sang thi đấu. Cuộc đối đầu này được đặt tên là “Back to Thailand” (Trở lại Thái Lan).
Số tiền mà hai tay vợt nhận được lên đến 4,1 triệu USD. Đổi lại họ chịu những ràng buộc theo yêu cầu của Thái Lan. Hai ngôi sao làng banh nỉ phải mặc bộ trang phục truyền thống của người Thái, đến thăm ngôi đền Erawan… Mục đích của sự kiện này là củng cố niềm tin khách du lịch, cho thấy Thái Lan vẫn là điểm đến an toàn.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha khi đó cho biết: “Tôi rất vui khi hai VĐV tốt nhất của quần vợt thế giới đang có mặt ở Thái Lan. Điều này sẽ thu hút thêm nhiều người đến Thái Lan.” Nói đi đôi với làm, trước đó chính quyền Thái Lan đã có một loạt các biện pháp mạnh tay để đảm bảo an ninh sau vụ đánh bom bằng việc triển khai 2.400 cảnh sát, 1.600 nhân viên an ninh, 1.000 tình nguyện viên và lắp đặt thêm 20.000 camera giám sát ở khắp Bangkok.
Tại sao Thái Lan đẩy mạnh kết hợp thể thao và du lịch?
Theo một báo cáo của tổ chức SportBusiness Group (Anh), cách đây vài năm, du lịch thể thao là một trong những phân khúc phát triển mạnh mẽ nhất của du lịch (ước tính hơn 600 tỷ USD), ngành công nghiệp trị giá khoảng 4.500 tỷ USD/năm trên toàn cầu.
Đây là số tiền khổng lồ, đặc biệt ở một quốc gia mà du lịch là ngành kinh tế trọng điểm như Thái Lan. Cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người cũng như văn hóa đến khắp nơi trên thế giới là lý do khiến người Thái liên tục đăng cai các sự kiện thể thao lớn thời gian gần đây.
Họ là chủ nhà của đại hội thể thao bãi biển châu Á 2014 tại trung tâm du lịch nổi tiếng Phuket. 50 khách sạn được dùng làm nơi ở của trên 6.000 quan chức, VĐV trong những ngày diễn ra sự kiện. “Trong những năm tới, lượng khách du lịch có thể tăng lên khi chúng ta sử dụng các trò chơi trên biển như một điểm để bán hàng,” Virat Patee – Giám đốc cơ quan thể thao văn phòng ở Phuket cho biết với AFP. Ông nói thêm, những khu nghỉ dưỡng như Phuket không thể đứng một chỗ trước sự cạnh tranh khốc liệt của các quốc gia trong khu vực.
Năm ngoái, Thái Lan và Malaysia lên ý tưởng về việc làm đồng chủ nhà để đăng cai Olympic 2024. Bộ trưởng Thể thao và Du lịch Thái Lan Kobkarn Wattanavrangkul đã có những cuộc gặp gỡ với người đồng cấp bên phía Malaysia – ông Khairy Jamaluddin để thảo luận về vấn đề này. Họ đồng ý với quan điểm, thể thao có thể giúp tăng trưởng cho ngành “công nghiệp không khói” trong khu vực.
Đường đua F1 do tư nhân đầu tư của Thái Lan. Đây sẽ là cỗ máy hốt bạc của tỉnh Buriram trong tương lai. Theo thống kê, chỉ riêng việc có hơn 70.000 người dự lễ khai mạc trường đua, địa phương đã thu về hơn 6 triệu USD.Hay gần đây, Thái Lan đã xây xong đường đua Formula One (Công thức 1) tại tỉnh Buriram với kinh phí gần trên 57 triệu USD. Đây là đường đua F1 thứ 3 ở Đông Nam Á và 27 trên thế giới, đủ điều kiện để tổ chức các giải đua xe tốc độ hấp dẫn nhất thế giới. Động lực để người Thái thực hiện ước mơ F1 là thành công của quốc gia láng giềng Singapore. Với đường đua Marina Bay, chỉ riêng ngành du lịch của quốc đảo sư tử đã có doanh thu hơn 100 triệu USD mỗi năm (số liệu của Straits Times). Theo Han Geist – nhân vật có tiếng của làng F1 thế giới, mỗi vòng đua đem đến ít nhất 100 triệu USD cho địa phương đăng cai, chưa kể giá trị quảng cáo hơn 300 triệu USD khác.
Nhìn về Việt Nam
So với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore thì Việt Nam vẫn còn chậm chân trong mảnh kinh doanh du lịch thể thao. Một số địa phương như Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu,… thường xuyên tổ chức các môn thể thao mạo hiểm, thể thao du lịch biển,… nhưng chưa thu hút sự quan tâm đông đảo của những người hâm mộ trên thế giới. Đà Nẵng đăng cai đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016 nhưng việc quảng bá không thật sự rầm rộ.
Mới đây, Bình Thuận đăng cai giải lướt ván diều KTA tour châu Á nhưng sự kiện không được biết đến rộng rãi. Ảnh: Internet.Để kiếm tiền từ phân khúc này, ngành du lịch phải có sự tăng trưởng đều đặn. Tuy nhiên so với các nước khác, Việt Nam đang có dấu hiệu thụt lùi. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách nước ngoài đến Việt Nam năm 2015 ước đạt 7,943 triệu lượt, giảm 0,2% so với năm trước. Còn theo Theo Hiệp hội Du lịch Châu Á – Thái Bình Dương (PATA), có đến hơn 80% du khách không quay trở lại Việt Nam, cao hơn con số 40% của Singapore hay 45% của Thái Lan.
Ở lĩnh vực thể thao, tư duy chạy theo thành tích khiến nhiều khoản đầu tư không hiệu quả. Hạ tầng phục vụ cho thể thao không đồng bộ, nơi thừa, nơi thiếu; chất lượng các công trình phục vụ xuống cấp trầm trọng,… đã trở nên quen thuộc tại Việt Nam. Năm 2003, Việt Nam chi hơn 3.000 tỷ đồng để xây dựng hàng loạt công trình như: Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, làng VĐV, nhà thi đấu Sóc Sơn, Gia Lâm, Hoàng Mai, Phú Thọ, Hải Dương, Vĩnh Yên, Hải Phòng,… để phục vụ cho SEA Games. Nhưng khi giải qua đi những nơi này rơi vào quên lãng hoặc hoạt động cầm chừng, sai mục đích.
Năm 2015 bầu Hiển của Việt Nam bỏ ra số tiền 2 triệu USD từ việc trả chi phí ra sân, bố trí khách sạn 5 sao… để mời Man City qua thi đấu giao hữu. Số tiền này chưa bằng 1/2 so với 4,1 triệu USD mà phía Thái Lan trả cho Djokovic và Nadal.
Năm 2014, ước tính Malaysia đã thu hút hơn 1.000 du khách Việt Nam đến Malaysia du lịch đồng thời theo dõi cuộc đua F1 ở đường đua Sepang. Thông thường mỗi vòng đua F1 sẽ diễn ra 3 ngày, do đó du khách muốn thưởng thức trọn vẹn phải lưu trú lâu ngày, dẫn đến việc chi tiêu cho nhiều khoản… Điều này lý giải vì sao, mỗi vòng đua F1 mang về cho nơi tổ chức hàng trăm triệu USD.
Đăng lúc: 14:00 16/03/2016